Cảm nhận Ngày Trở Về – Kỳ 2.

Thô ráp,xù xì nhưng rất dễ tự ái và đổ…quạu, Hữu Dũng đứng đợi rồi đưa mình xuyên qua những dãy hành lang thăm thẳm, vắng vẻ của nhà ga hàng không thủ phủ miền Trung này. Rất chu đáo, sợ mình mệt mỏi, Dũng xách luôn cái vali xăng xái đi trước. “Hùng Nhe và Minh Thanh dặn tui chở ông tới quán đồ biển nào đó, rồi mấy hắn tới sau”, cậu ta vừa nói vừa chở mình chạy vòng vèo qua những đường phố thật sạch, thật rộng rãi của một thành phố đang chuẩn bị cho lễ hội pháo hoa lớn nhất nước. Điện thoại lại réo, đầu kia Trần Việt ồ ồ: “Xuống sân bay chưa, rồi hả, chừng nào ông về Tam Kỳ,…mai hả, ừ, ăn uống chi đó rồi nghỉ cho khỏe đi, sáng mai vô sớm nghe. 7h là phải có mặt lại Café Quê Hương để gặp mặt cho công tác trù bị đó.” Điện thoại lại réo, giọng Nam Anh phấn khích: “ Tới đâu rồi,tụi này còn cách Tam Kỳ 10km nữa, ông mở loa lên để nghe nè…” Tiếng hát vang ầm …Đồng bào ơi ta đã về đây ta đã về đây, lướt qua nắng mưa…Điện thoại lại réo : “Tụi tui đang bày sẵn bàn nhậu rồi. Đợt ni bóp chết Xứ Ủy Nam Kỳ luôn. Há há…”
Cảm giác nôn nao ngày trở về trở thành cảm giác phấn khích rồi quá khích…Ai cũng muốn gào thật lớn, muốn cười thật to, muốn nhảy thật…sung hip hop. Giây phút mong chờ của 26 năm…

Dũng đưa mình vào một quán ở ngã tư Nguyễn Hữu Dật – 30 tháng Tư.Cô bé tiếp viên người Quảng Bình có nước da trắng bóc và má lúm đồng tiền cười hỏi trong ngạc nhiên khi mình đòi ăn mì Quảng. Dạ, quán cháu buổi tối không có mì Quảng chú ạ. Dũng cười, để tui gọi cho ông tô cháo tôm ăn trước lót bụng, tí nữa tụi nó tới chiến đấu mà không có gì trong bụng coi chừng chết đứ đừ.Mới gọi cho Minh Thanh,hắn nói đang phiên trực, chút nữa hắn ra liền.Mạnh Hùng đang dẫn đoàn khách đơn vị bạn về hotel. Mấy ngày nay hắn chạy xơ tóc gáy, uống rụng rốn vì khách các nơi đổ về xem pháo hoa.

Quán sang trọng, người ăn uống cũng đông nhưng không nghe ồn ào, cũng không nghe gào dzo…dzo như trong Sài Gòn. Để xây dựng nên một tên tuổi như bây giờ, Đà Nẵng phải quằn mình trong cơn chuyển đổi. Không đánh giày, không xin ăn, không vé số dạo…Thói thường dân mình hay đứng về phe nước mắt, thấy nghèo nghèo là tội tội, từ tội tội rồi dễ dãi xuề xòa, cuối cùng là một hình ảnh nhếch nhác, bệ rạc cho một thành phố năng động.Cuộc sinh nở nào cũng đau, thà đau một lần để rồi đi vào nền nếp. Không riêng gì mình, mà rất nhiều người vote cho Đà nẵng trước những chủ trương mạnh mẽ, táo bạo, kể cả chủ trương hạn chế nhập cư. Chẳng phải nhiều người mơ ước được sống ở Đà Nẵng đó sao.Nếu dân số cứ tăng cơ học, lại tăng ở phân khúc lao động phổ thông, thậm chí vô nghề nghiệp thì chính quyền nào đảm bảo nổi về mặt an sinh lẫn an ninh.Quyền sinh con là quyền tự nhiên, như luật Dân số KHHGĐ đã nói rõ, tuy nhiên chẳng phải các văn bản dưới luật đều phải hạn chế ở mức 1-2 con đó sao.Để thực hiện điều đó, thậm chí đã phải sử dụng đến biện pháp triệt sản đó sao? Về cơ sở hạ tầng, khó nói được Đà Nẵng hay Bình Dương ai hơn ai, nhưng riêng về mặt an ninh thì Đà Nẵng ăn đứt.Chẳng phải một phần nhờ những chính sách quyết đoán của ông Bí Thư Nguyễn Bá Thanh sao? Nơi nào giải tỏa đền bù cũng gây khiếu nại khiếu kiện, thậm chí đổ máu, riêng Đà Nẵng dân lại khoái giải tỏa đền bù là sao?

Vừa giải quyết xong tô cháo tôm và 2 lon La Rue (bia đường phố chăng?) đôi bàn tay mát rượi của ai đó đã bịt chặt mắt mình.Hihi.Chỉ có hải quan sân bay mới đến vào những lúc người ta không tưởng như thế.Một má lúm đồng tiền và đôi mắt lấp lánh cười trong bộ cảnh phục hải quan, Minh Thanh tranh thủ giờ nghỉ ca đi thẳng từ phòng trực ra quán. Mạnh Hùng (vừa tới trước đó một chút) cười hê hê, nói răng mà bà trẻ đẹp hoài vậy bà.Mà lớp mình càng theo thời gian càng trẻ đẹp hoài đấy chớ. Chiều ni tui ngồi café với mấy mệ như mệ Minh Thanh, mệ Thúy Vân,mệ Kim Ngọc…trời ơi mấy mệ cười nói từ tám đến chín thì thôi, đến 5h30 chiều mới tạm hết chuyện. Kinh.Dễ thương chi lạ. Mà răng rứa mi hỉ, ở đất Đà nẵng này cả hai chục năm, có biết chi mô, có lúc mô ngồi lại với nhau mà uống ly café tâm sự đâu, huống hồ là hỏi thăm,ghé chơi nhà nhau…Thiệt là tuyệt vời. Sướng nhất là mệ Kim Ngọc nói, thôi rứa hỉ, chuyện ngày xưa bỏ hết hết hỉ,chu choa, ngày xưa đi học tui không sợ ai, chỉ sợ mỗi mệ Ngọc.Nghiêm chi lạ, khó chi lạ…

Ngồi tí là Thúy Vân tới.Cười suốt, huyên thuyên suốt.Mi tau răng ri rứa hỉ…hồi nớ hồi ni.Mình như ngập tràn trở lại những ngày vơ vẩn sân trường, bước ngắn dài khấp khểnh những trưa tan học…Mấy cô bé phục vụ, mấy chú bé phục vụ cứ tròn xoe mắt.Thông cảm nhé mấy bé, mấy chú, mấy cô là bạn học cũ, xa nhau cả 26 năm rồi,giờ có chi thông cảm hỉ.Dạ, chúng cháu biết mà.Nhưng tới 10h đêm là phải nghỉ đó.Quy định ở đây là vậy,mấy chú thông cảm.Mình gật đầu cái rụp, lại thêm một sự ngạc nhiên mang tên Đà Nẵng.
(còn tiếp)

BQH.

Muối ơi ……Muối!

Muối là gì ? Đó là phần không thể thiếu cho sự sống của con người, như nước, như hơi thở, như không khí của vũ trụ bao la ! Đã từ lâu muối còn là châm ngôn , là chất xúc tác cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, như từng có lần Nhà thơ Chế Lan Viên phải thốt lên :” Hãy biết ơn vị muối cho đời cho thơ chất mặn” ( Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Chế Lan Viên đã từng trăn trở, băn khoăn, từng nếm mùi vị của “muối đời”. Chàng thi sĩ của “Ánh sáng và phù sa” cùng những văn nghệ sĩ khác đã trải qua biết bao thăng trầm, đã một thời “điêu tàn” trong mộng tưởng, hay trong nỗi đau của nhân tình thái thế. Há chăng rồi những vần thơ hay, hay những vần thơ thép được nhà thơ chưng cất lên từ “bể muối cuộc đời” này đây !?

Ruộng Muối ở SA HUỲNH.

Và không biết từ đâu có câu ca dao:
“ Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”….. là thế nào nhỉ !?

Muối mặn đi chung với gừng cay, muối thì mặn như…. muối, gừng thì cay như …gừng. vậy có muối gừng không? Có lẽ là không! Tất nhiên ăn cho biết gừng cay muối mặn, như “muối đời” của những chàng nghệ sĩ, ăn như để biết về cuộc đời của con người như gừng cay mặn mà thôi.
Nói về muối đã có một thời của “đêm trước đổi mới”, người dân ta chỉ cần có miếng cơm với muối là niềm ao ước của những số đông hay trong những năm tháng chiến tranh khói lửa hạt muối phải “cắn làm đôi” trong hành trình gian khó , người miền xuôi không có muối để ăn, người miền núi phải đốt cỏ Tranh làm muối.

Nhọc nhằn đời diêm dân !

Trên Trancaovan1986 số tháng 3 năm 2012 trong bài “Lẩu TV- Ba” có đoạn viết :”….Kiều Ngân chỉ cần cá với muối, là Kiều Ngân nấu được một món nhậu thật ngon lành rồi. Bởi tôi thường thấy Kiều Ngân nấu cá trông rất cầu kỳ và công phu, lúc lửa to, lúc lửa nhỏ, lúc đậy vung, lúc không đậy v.v.v còn muối thì được chế biến bằng đủ cách như: rang, kho, om, chiên, có khi nướng….thì ra một món nhậu mới ….”Bấy cháy bồ chắc”!
Muối thật là như vậy đó, bởi muối là thành phần không thể thiếu trong tất cả các món ăn. Bản thân muối chỉ cần “làm bạn” với hạt đậu, hạt mè là đã trở thành một món muối ngon lành. Trong dân gian người ta thường nói muối để càng lâu là có tác dụng như một vị thuốc bồi bổ cơ thể khi nấu ăn. Trong đời sống “Bò có bảy món”, “Cầy tơ có chín món”. “Dê có tám món” v.v.v thì muối có hơn mười bốn, mười lăm món hay còn nói theo một cách khác có “Kính thưa các loại món muối!”, “Kính thưa “vạn trạng biến thiên” của muối”, có thể ví von món muối là “Tôn Hành Giả” có 72 phép thần thông biến hóa nhưng phép nào cũng là của….. “Giả Hành Tôn” .
Nói về “món muối” đầu tiên không thể không nói về “nguyên liệu gốc” là những hạt muối trắng và sau này thêm muối I-ốt. Trên dải đất hình chữ S, nếu Miền bắc có Muối Bạch Long ( Nam Định), Miền Nam có muối Long Hải, thì Miền trung vẫn nổi tiếng hơn với muối Sa Huỳnh ( Quảng Ngãi) và Hòn Khói ( Khánh Hòa)! Bởi muối ở Miền trung hạt lớn, trắng có vị mặn nhiều mà thanh như đã được chắt chiu từng giọt nắng như lửa của vùng miền nơi đây. Chính về nơi này người ta thường nghe câu hát của những người dân diêm sâu lắng: “Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết, như những tấm lòng hiền hậu thủy chung…..”.( Nghĩa Bình quê hương tôi)

Vũ điệu của Muối !

Muối trắng từ xưa đến nay là người bạn thân thiết của những bà Mẹ Việt Nam quanh năm tần tảo. Họ dùng loại muối này trong nhiều việc trong đời sống hàng ngày như muối mắm, muối dưa hay muối cà v.v.v. Đã từ lâu các bà Mẹ đã biết lấy hạt muối trắng về bỏ trong những chiếc ôm đất hầm chín, muối nổ như bắp rang nghe mùi thơm phân phất. Chỉ cần loại muối rang ấy, những năm tháng khó khăn chỉ cần ăn cơm bằng “hạt gạo làng ta” với muối rang cũng thấy thấm đượm tình người, tình thủy chung của người với muối!
Nói về “món muối” đầu tiên cũng phải nói về món muối chiên mỡ thời bao cấp. Đó là món của những ông cha bà mẹ là công nhân viên chức thời ấy, mỗi tháng đựơc ‘phân phối” một hai lạng thit heo. Nhưng đến tháng họ tìm mua những lạng thịt heo ba chỉ. Đem về, họ thái thịt heo thật nhỏ, rồi lựa muối trắng có hạt thật to đem chiên với muối làm lưong khô cho con em mang theo khi học đại học ở xa như một món…. “ăn tưoi” cải thiện thêm hàng ngày. Dần dà cuộc sống khá hơn, món muối này mất đi nhừơng lại cho những món muối khác.
Muối tiêu là muối được công dung nhất, bởi muối tiêu ngon và công thức chế biến cũng giản đơn. Không những muối tiêu dùng để chấm hột vịt lộn là số một. Loại muối này hầu như chấm thứ gì cũng thấy ngon. Từ những loại trái cây đến những món ăn sang trọng hay món nướng dân dã hay đến cái bánh mì có hay không “người lái” cũng cần muối tiêu. Nói về muối tiêu, có một cách nói của người Miền Trung :” Hôm nay mời bác đến nhà con ăn miếng cơm với muối tiêu….” . Đó là cách nói ”khiêm nhường” thường thấy của người dân nơi đây! Nhưng khi thực tế bản chất của người Miền trung hiếu khách, khách đến nhà “không Gà thì Vịt”, hay trong thời buổi khó khăn năm ấy, dù có đĩa muối tiêu nhưng cũng có thêm đĩa rau hái từ vườn, hoặc vài con cá bắt từ đồng …. chấm muối tiêu.
Muối mè! Muối này không chỉ với vị thơm ngon quyến rũ mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, có ích lợi cho tim mạch v.v.v.Còn nữa, với muối mè, từ xưa các bà mẹ Miền trung thường bắt con dâu, con gái của mình khi là sản phụ phải ăn cơm độc nhất với muối mè cũng vài tuần có khi cả tháng cho “chắc bụng, chắc da, chắc thịt!”, không biết có đúng không chứ muối Mè là loại muối nhiều dinh dưỡng người ta ăn để chữa bệnh. Cơm ăn với món muối này là phải nhai quên thôi, nhai khi cơm ra bã mới thấy được cái béo, cái ngon thấm êm cả cổ.
Muối đậu phộng rang chế biến thật giản đơn và ai cũng biết. Nói chế biến cho sang, chứ món muối đậu phộng rang chẳng có gì để chế biến, cứ đậu phộng rang lên, giã nhỏ trộng với muối hầm và đường theo tỷ lệ tùy thích. Nếu tính tuổi đời của món muối đậu phụng thì không ai biết bao nhiêu nhưng trong “tâm hồn ăn uống” từ già lẫn trẻ đều biết món muối này được ăn với tất cả loại xôi hay chấm khoai, chấm sắn ăn vừa thơm, vừa ngọt, vừa mộc mạc, và vừa dân dã.Trước đây chỉ có vài loại muối như Muối rang (hầm), muối đậu phụng, muối mè, muối ớt, muối tiêu chanh, thì ngày nay có thật nhiều “món muối”, muối sả ớt, muối ruốc sả ớt, muối tép, muối tôm, muối ruốc, muối chà bông …..

BIỂN HÁT !

Muối ruốc sả ớt trước đây là đặc sản của Huế, bởi người dân nơi đây đã biết “thổi hồn” vào cùng với muối, và muối là một thứ gia vị thiết yếu nhất kết hợp với nhiều loại ngũ cốc để cho ra nhiều loại muối. Như trong một Festival Huế gần đây, người ta đã làm gần tới vài chục loại muối khác nhau, người ta đã làm ra muối đậu đỏ, đậu đen, muối kê, muối gạo trắng, gạo tím, muối cá thu, muối tôm, muối ruốc bò…… Thậm chí món tráng miệng là những trái cây được chấm với….. muối mơ làm từ muối và trái mơ từ Hà Nội. Nhưng có lẽ bây giờ món muối ruốc Huế là “phủ sóng” cả đất nước hình chữ S. Với món muối này đem chiên với táp mỡ, thịt heo nạc xíu nhỏ, khi chiên lên điếc cả mùi, mùi sả cộng với mùi ruốc, mùi ớt với mùi thịt và táp mỡ, một mùi đậm đà khó tả rồi đựng trong chiếc hủ thủy tinh trắng ăn dần cho đến hết… Món này, lâu lâu chỉ cần “nó” với vài ba trái dưa leo thái vừa để chấm ăn với gạo Nàng Hương thì ăn  mãi không thôi, có lúc ba bốn chén cơm rồi mà chẳng hay.
Muối dầu lai!? Là muối trộn với trái dầu lai dâm nhỏ có khác chi như muối đậu phụng thơm lừng bởi trái dầu lai vẫn béo và thơm.
Muối khuyết là con khuyết nhỏ được phơi khô rồi rang lên rang lên đâm nhỏ trộn với muối. Muối này rất hợp với những ngày đông mưa phùn giá rét, làm biếng đi chợ chỉ cần cơm nóng với muối ăn sẽ thấy vừa thơm vừa ngọt. Đây là món ăn rất ấm bụng trong những ngày đông rét giá
Mới chỉ kể một vài ba loại muối mà nghe “bỡ cả hai tai” làm sao kể xiết! Nói gì thì nói, muối luôn là bạn của mọi người và không thể thiếu. Với tất cả những món muối như đã được thi vị hóa bằng thơ ca :
“Rồng con ngâm muối biển khơi
Sum vầy chén ngọc rạng ngời ta ơi
Phựong hoàng tung cánh thảnh thơi
Cơm lành cửu vị mặn mòi chân quê
Quà thơm cuối buổi tiễn chào
Ngọt cây chua mặn đậm đà tri ân”

Andi Nguyễn Ánh Nhật