Ngày xưa!!!

NGÀY XƯA!!!

 

Tôi vô cùng thích thú mỗi khi nghe anh kể chuyện ngày xưa, dẫu rằng cái “ngày xưa” ấy cũng có một phần đời của tôi trong ấy…

“Anh kể đi, kể chuyện anh làm ruộng đi, kể chuyện giữ trâu, cắt cỏ, tát cá hồi nhỏ của anh đi…”

“ Anh kể chuyện yêu đương của anh đi, hồi anh mới lớn í…”

Không hiểu sao những câu chuyện của anh lại thu hút tôi đến vậy, cả những lúc hai đứa rong ruổi chở nhau trên đường , hay những dịp về quê anh, cả những đêm hai đứa không là vợ là chồng, mà cứ thầm thì trò chuyện như hai người bạn…cuộc đời phóng khoáng và thi vị của anh cuốn hút tôi, cũng như cái tính trẻ con lẫn đàn bà đầy ma mị của tôi làm mê mẩn anh…Cứ vậy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thốt lên rằng “ kỳ lạ thật, bao năm rồi mà sao mình vẫn chưa chán, khi hàng ngày cùng ăn cùng ngủ mà mỗi cái ôm bao giò cũng là xiết chặt…”

“Anh đó, em nhìn đi, rồi hình dung ra anh của em 20 năm về trước”!

Chao ôi, anh là vậy sao, hình ảnh một anh nông dân tầm 25 tuổi, áo rách quần cũ bạc màu, trên đầu là một chiếc nón cời không thể rách hơn được nữa, trên vai vác một chiếc cuốc đang đứng trên cánh đồng trong mùa cày xới…

Có nằm mơ thì e cũng khg bao giờ hình dung hình dáng ấy sẽ làm chồng em sau 20 năm nữa…

Tôi và anh cùng cười giòn tan, tôi cứ nhìn mãi hình dáng ấy và cố hình dung ra gương mặt anh…cuộc đời không thể biết được chữ ngờ!

6 tuổi, như bao đứa trẻ nông thôn khác, việc đồng áng là điều tất nhiên mà không phải đứa trẻ thành thị nào cũng tin được khi nghe kể….

“Em ơi, không có mang dép đâu, cũng không đội mũ nữa,  anh phải dắt trâu đi xa cả gần chục cây số để kiếm những bãi cỏ xanh tốt cho trâu ăn, đứa trẻ nông thôn nào cũng vậy, khét nắng dù tắm rửa, cái mùi nắng, mùi phân trâu như ăn vào da thịt…”

Tôi há miệng nghe anh kể, rồi vùi đầu ngửi tìm cái mùi khét nắng, mùi trâu của anh… Làm gì còn nữa em, may mắn anh đã thoát ly vùng quê nghèo khó để tha phương lập nghiệp, bao năm rồi, mùi bia, mùi thị thành đã khỏa lấp mùi đồng ruộng, nhưng làm sao quên được cái “tuổi thơ dữ dội” ấy!

Những câu chuyện cứ lan man không đầu không cuối, nhớ đâu kể đó. Quãng đường từ quê anh đến thị xã vẻn vẹn 15 cây số, vậy mà ngày xưa, trong trí nhớ của anh, thị xã đó như một cái gì ghê gớm và xa vời lắm. Anh nhớ 10 tuổi tự đạp xe đạp đi vô bệnh viện Thị xã để khám bệnh, cái xe đạp dành cho người lớn, cha mẹ thì bận việc túi bụi, thôi thì con tự đi…

“Anh đừng bịa, em không tin đâu, một đứa trẻ nhà quê mới 10 tuổi làm sao biết đường mà đi hả anh, rồi nói với bác sĩ thế nào..”

Vậy đó em, cái chân anh ngắn củn, đạp mà không chạm cái pê-dan, ẹo qua ẹo lại, mãi rồi cũng đến thị xã, thường thì vào bênh viện vì đau răng, khám xong rồi ghé vô cửa hàng Ăn uống Mậu dịch Quốc doanh làm vài cái bánh rán tẩm đường xung quanh, ngon đến nỗi quên cả đau răng, rồi lóc cóc đạp về”

Sao anh không đi bằng xe buýt?

Anh phì cười, quên rồi à, ngày xưa làm gì có xe buýt, chỉ có xe đờ nôn..

Sao má anh cho anh đi, lỡ xe cộ hay tai nạn thì sao?

Lại quên rồi, ngày xưa ngoài đường có nhiều xe như bây giờ đâu, thi thoảng mới có chiếc xe đò, xe honda không có, ô tô lại càng không, đi trên đường nhựa còn sướng hơn cả đường làng!

Thương anh!

Ồ, tuổi ấy của tôi là cả một khung trời mộng mơ. Thuở đói kém bao cấp ngày ấy, đứa bé tôi vẫn còn được uống sữa, sống không lo âu muộn phiền, không cảm nhận được cái đói khổ của bạn bè cùng lớp. Điều “đau khổ” nhất có lẽ là những buồi trưa tan học mà không chịu về nhà, chui vô vườn cây lá rậm rạp của một ngôi nhà trong xóm của bạn và mải mê bắt bướm, bướm vô kể, bướm hằng hà vô số đủ mọi hình dáng kích thước và màu sắc…mải mê cho đến khi nghe tiếng gọi “ bé ơi!!!” rồi bị anh trai lôi về chắc chắn là vài cái roi lằn đít…Điều “đau khổ” nữa là buổi tối cùng đám bạn trong xóm chơi trò 5, 10 hay tán lon, mải mê đến khuya vẫn chưa chịu về, hay về mà rón rén leo lên giường ngủ “quên” rửa chân, bị anh trai bắt tại trận và…lằn đít!

Giờ tôi vẫn hoài nghi, có hay không đàn bướm đó, bay về đâu mang theo của tôi cả khung trời đầy mộng mơ kỷ niệm, bắt được con nào đè xịt bụng con đó một cách hồn nhiên không áy náy, rồi ép vào cuốn tập học trò..Có lần bị bà chủ vườn, lúc đó tầm hai mấy tuổi, không hiểu sao bị bệnh điên mà lũ chúng tôi luôn khiếp sợ tóm được một đứa và trói vào gốc cây, bạn ơi, có còn nhớ bạn và tôi đã hoảng sợ và khóc lóc như thế nào!?

Tuổi thơ êm đềm khi tập tành cọ tranh để vẽ, vẽ chân dung các vị nổi tiếng có những bộ râu xồm xoàm bằng phương pháp kẻ ô, rồi tự tưởng tượng ra hình hài vóc dáng những cô gái xinh đẹp, rồi đi mua khung về lồng vào treo trên tường, bạn ơi, còn nhớ…!

Tuổi thơ êm đềm sau những giờ chụm đầu học chung, ra vườn hái trái vả, dái mít chấm muối sống giã ớt xanh…Có lẽ cái hương vị chát chát đó là duy nhất mà ta luôn muốn nhớ về, muốn hoài niệm , khác xa những cái chát mà ta đã vấp ngã và thấm thía trên đường đời! Bạn ơi, có còn nhớ, hay những bất hạnh đau thương đã nhấn chìm bạn, tôi như tìm thấy điều ấy sau 25 năm trong ngày gặp mặt đã làm bạn lãng quên cái vị chát của trái Vả ngày ấy, với những màu hồng hồng hay đỏ tựa như nhung ! Tôi vẫn nhìn thấy cái dáng tất bật lo toan vẫn còn nguyên vẹn, tôi nhìn thấy quầng thâm quanh đôi mắt ấy, bạn ơi, hãy hoài niệm để quên đi muộn phiền, bạn nhé, tuổi thơ trong trẻo may mắn của bọn mình sẽ mang lại tiếng cười trong vắt cho bạn như thưở nào!

Tôi yêu anh và luôn háo hức nghe anh kể vì cuộc sống nghèo khó lúc đó là điều duy nhất mà tôi thiếu!

Cả gia đình anh với 8 miệng ăn, làm quần quật quanh năm mà vẫn thiếu, mẹ anh như người “chỉ huy” chống chèo cả gia đình, từ việc nhà đến việc đồng áng để đưa bầy con lần lượt vào đại học. Hình ảnh dáng mẹ liêu xiêu trên cánh đồng, hay gánh cả gánh thóc nặng đi bán kiếm tiền cho anh ra lại trường đại học là nỗi day dứt mà tôi nghĩ bất cứ người con nào cũng mang theo mỗi khi rời chốn quê để đi ra chốn thị thành.

Dù vậy, cái nếp sinh hoạt của gia đình nông thôn ấy vẫn làm tôi ao ước, người cha mặc chuyện đồng áng cho vợ con, yên tâm với vị trí ông giáo làng ngày ngày đến trường và về nhà chỉ biết đọc báo. Tối thứ bảy hàng tuần người anh cả chủ trì cuộc họp kiểm điểm các anh em trong nhà “ thằng cu Tý quét nhà không sạch, thằng Tèo bị điểm kém…vv..” Sau đó là xếp loại A, B tùy theo tình hình. Tôi bật cười vì sự tiến bộ và chỉn chu ấy, và tôi thán phục, có lẽ sự ý thức cao trong vấn đề thay đổi số phận bằng việc học hành đã giúp anh em gia đình anh sau này đều thành đạt và khá giả.

Ước gì ngày đó anh mạnh dạn nói tiếng yêu em ! Ừ nhỉ, có gì là khó đâu, anh dắt em về với nhánh lúa nhành khoai, đi qua cánh đồng vàng ươm mùa gặt, rủ em đi đào khoai nhổ đậu và cảm nhận cái ấm cúng, cái riêng biệt mà em chưa bao giờ cảm nhận được…

(Còn nữa)

Những cánh bướm

Truyện ngắn
Những cánh bướm
Roger Dean Kiser (Mĩ)

Có một thời trong đời, cái đẹp là một cái gì đó thật đặc biệt với tôi. Có lẽ lúc tôi sáu hay bảy tuổi thì phải, chỉ vài tuần hoặc có thể một tháng trước lúc cô nhi viện biến tôi thành một ông cụ non.


Mỗi buổi sáng tại cô nhi viện, tôi thức dậy, xếp mền gối như một anh lính nhỏ đã được huấn luyện thành thói quen và sau đó tôi sẽ đứng vào một trong hai hàng thẳng tắp, hành quân cà nhích cà nhích dần đến chỗ ăn sáng với hai, ba chục cậu trai khác, những bạn sống trong nhà tập thể cùng tôi.
Một buổi sáng thứ bảy, sau bữa sáng, tôi trở về nhà tập thể và nhìn thấy người trông nom cô nhi viện đang đuổi theo những con bướm chúa xinh đẹp – phải tới hàng trăm con ẩn trong những bụi cây khô rải rác quanh cô nhi viện.
Tôi chăm chú quan sát ông ta đang bắt loài xinh đẹp này, từng con, từng con một, rồi gỡ chúng ra khỏi vợt lưới và sau đó dùng ghim kẹp đầu và cánh chúng, găm vào một tờ bìa dày cứng.
Hủy hoại những thứ đẹp đẽ đến vậy thì thật tàn độc. Tôi đã nhiều lần lang thang nơi các bụi cây, chỉ mình tôi, cốt là để bướm có thể đậu trên đầu, mặt và tay tôi để rồi tôi có thể ngắm chúng thật gần.
Khi điện thoại reo, ông trông nom cô nhi viện dựng tấm bìa lớn sát vào bậc cấp xi măng và đi vào trong để nghe điện thoại. Tôi lại đó, nhìn con bướm ông ta vừa ép vào. Nó vẫn còn nhúc nhích vì vậy tôi cúi xuống, chạm vào cánh nó làm một cây ghim tuột ra. Nó bắt đầu giẫy đập, bay lảo đảo vòng vòng cố thoát đi nhưng vẫn còn cây ghim gắn chặt bên cánh kia. Cuối cùng cánh nó đứt lìa và con bướm rơi xuống đất, chỉ còn rung lên sơ sơ nhè nhẹ.
Tôi nhặt cái cánh đứt và con bướm lên, nhổ nước bọt lên cái cánh của nó rồi cố gắn dính lại như cũ để nó có thể bay xa, hưởng tự do trước khi ông trông nom cô nhi viện trở lại. Nhưng cái cánh không chịu dính vào.
Điều tiếp theo tôi biết là ông trông nom cô nhi viện tiến ra khỏi cái cửa sau kế bên phòng chứa rác và bắt đầu hét la tôi. Tôi nói với ông ta tôi có làm gì đâu, nhưng ông ta không tin tôi. Ông ta chộp tờ bìa các tông và dùng nó quật ngay đỉnh đầu tôi. Kính thưa các loại mảnh bướm bướm văng khắp nơi. Ông ta ném tấm bìa xuống đất và bảo tôi lượm, bỏ vào thùng rác trong cái phòng ở phía sau nhà tập thể rồi ông ta bỏ đi.
Tôi ngồi đó, giữa chỗ dơ bẩn, bên cái cây cổ thụ, lâu ơi là lâu, gắng ghép các mảnh bươm bướm với nhau để tôi có thể mai táng tất cả…nguyên vẹn, nhưng quá khó để thực hiện. Vì vậy, tôi đã nguyện cầu cho chúng, rồi tôi xếp hết vào hộp đựng giày cũ mèm và chôn cất chúng dưới cái pháo đài mà tôi đã xây đắp trong khu đất ngoài đám tre lớn, gần những bụi cây mâm xôi.
Hàng năm, khi loài bươm bướm trở về cô nhi viện tranh nhau đậu lên người tôi, tôi sẽ cố gắng xua chúng đi bởi vì chúng không biết rằng cô nhi viện là một nơi tệ hại để sống và là một nơi rất tệ hại để chết.

L.S dịch.

Giữa SAIGON ăn bún Cá Ngừ xứ Quảng.

Qua Comment trên Trancaovan1986 tôi biết bạn Phuong Nguyen đang sinh sống ở thành phố Des Moines thuộc tiểu bang Iowa, miền trung tây Hoa Kỳ. Và trong chủ nhật vừa qua – ngày Mother’s Day, Phuong Nguyen đã nấu cho gia dình ăn cho đỡ nhớ hương vị quê nhà bằng món “Vịt nấu thơm” (Thanh Tân) và tráng miệng..…. “kiểu Mỹ” bằng loại bánh….. Khoai mì (Không phải Andi) (!?). Tôi biết người Việt xa xứ cứ mỗi khi nhớ về quê hương là lại làm những món ăn thuần khiết mang hương vị quê nhà . Nhưng với người dân Miền Trung ở Saigon muốn ăn món “Bún Cá ngừ” như người mẹ hiền ở quê khi xưa nấu cũng còn là điều khó khăn, như phải xách xe chạy lên Đường Bàu Cát (Tân Bình) hoặc phải ngược về Đường Kỳ Đồng (Quận 3), hay Đường Lương Hữu Khánh (Quận 1) mới có, mới ngon…. Nhưng có lẽ dù được bày bán ở những quán thuộc loại sang, song tôi lại thấy những nơi đây lại không bao giờ ngon bằng món “Bún Cá Ngừ” nấu tại nhà …… “Bún với cá như mạ với con” ở vùng quê Xứ Quảng!Chắc cũng còn nhiều lẽ….

Tô bún Cá ngừ thơm ngon !

Trong cuộc sống có đôi khi để nhớ về một con đường, một vùng đất hay một quê hương..…nhưng có lẽ giản dị nhất, dễ làm nhớ lâu nhất và dễ làm ta kích thích dịch vị nhất là… những món ăn thuần túy và dân dã của vùng miền quê ấy! Nói đến Sài Gòn không ở đâu như ở nơi đây, ta có thể cảm nhận rõ dư vị cùng với sự phong phú của hơn 20 món bún trải dài khắp mảnh đất hình chữ S. Dù Saigon không phải là chiếc nôi của bún, nhưng hình như văn hóa ẩm thực của mọi miền đất nước đẻ ra văn hóa ẩm thực Saigon (?). Và cũng có thể nói hơn một tí “Văn hóa đẻ ra văn hóa” , như vốn đặc điểm riêng của Saigon là tất cả các món ăn đã theo chân những người con từ mọi miền đất nước đổ về Saigon tìm kế mưu sinh. Chính điều đó đã làm cho cuộc sống Saigon có thêm nhiều hương vị theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Hà Nội có 36 phố phường : Phố Sinh Từ, Phố Hàng Mắm, Phố Hàng Khoai, Phố Hàng Điếu, Phố Hàng Đường, Phố Hàng Bạc, Phố Hàng Đào, Phố Hàng Bè, Phố Hàng Bông, Phố Hàng Ngang, Phố Hàng Gà v.v.v. Còn Saigon (?) có thể kể Bún nơi đây có nhiều món như là …. “Phố ở Hà Nội” : Bún thang, Bún chả, Bún đậu mắm tôm, Canh bún, Bún cá rô đồng, Bún ngan, Bún mọc, Bún bung, Bún bò, Bún giò, Bún sứa, Bún mắm, Bún Thái, Bún suông v.v.v  “Kính thưa các loại bún”

Quán tại Đường Lương Hữu Khánh (Quận 1)

Theo các nhà ẩm thực những món ăn phổ biến như Phở là có nguồn gốc “bự” bên Tàu, Hủ tiếu ai cũng nghĩ là của người Miền Nam nhưng thực ra nó rặt của Tàu được phiên âm ra tiếng Việt, nhưng các món bún đều rất Việt Nam, bún là tiếng Nôm và món bún Cá ngừ là của riêng có gốc gác Quảng Nam, không họ hàng gì với Tàu và Tây. Có ai đó hỏi sao ở Saigon muốn ăn loại bún này là phải đi xa bực mình đến thế ….? Ta cũng có thể trả lời rằng bởi lẽ “Bún Cá Ngừ” xứ Quảng dù có lưu lạc nơi xứ lạ quê người, nhưng không bao giờ là lạc lõng giữa thủ phủ Miền Nam với tô Hủ tiếu Nam Vang, Tô Phở thơm ngon mùi ngò gai vì nét riêng của loại ….Cá ngừ xứ Quảng. Chỉ có Cá ngừ được đánh bắt ở “biển ngang” của Miền Trung mới làm làm ra món Bún Cá Ngừ thơm ngon (!). Và qua bao nhiêu năm thăng trầm cũng nghe giang hồ đồn đoán rẳng món “Bún Cá Ngừ” xứ Quảng là một trong mười món ăn “dưới 1 USD” nổi tiếng trên CNN (!?)
Đã bao nhiêu năm sống giữa Saigon, mỗi khi thèm ăn một tô bún cá ngừ, chạy ra chợ mua cá đã xong, nhưng Cá Ngừ ở nơi đây không biết làm như thế nào mới có thể có được chầu Bún Cá Ngừ như xứ Quảng ?. Bởi vậy theo tôi nghĩ hàng quán ở Saigon người bán món bún Cá Ngừ chẳng cần chi dấu nghề, bởi chỉ cần Cá tươi ngon ở Xứ Quảng gởi vô, trong khi cách nấu và nêm nếm cho ngon là điều rất dễ. Cứ mỗi lần có cá ngừ mà không được ăn món có dư vị quê hương, vậy là không dưng hình ảnh người mẹ già tần tảo sớm hôm, suốt đời luôn nấu và dành ,nhường những món ăn ngon mà chồng con thích, hình bóng Mẹ lại về cồn cào trong nỗi nhớ…..
Đến bây giờ đã nếm đủ loại món ăn Á- Âu nơi thành phố, tôi vẫn nhớ mãi hương vị và cách làm món “Bún Cá Ngừ” như đi theo suốt tuổi thơ. Mẹ bảo :” Làm món Bún Cá Ngừ là phải chọn cá còn xanh tươi, nhìn lớp da sánh bóng, mắt cá trong như vửa bắt lên, mang cá có màu đỏ tươi. Nhưng món Bún cá ngừ ở Miền Trung làm cá có từ tháng 4 đến tháng 8 mới ngon…”. Còn nữa Mẹ nói thêm :” Nếu muốn món bún cá ngừ ngon là phải dùng loại bún chính gốc bằng bột gạo như lịch sử thời xa xưa vắng….. bột mì”.

Những chú cá ngừ tươi xanh .

Mua cá về Mẹ rửa sạch ,cắt thành những miếng vừa ăn, chỉ cần để ráo nước chứ không như người dân Thành thị kỹ càng phải dùng khăn giấy (paper towel) thấm cho khô miếng cá. Xong xuôi Mẹ ướp cá một chút muối và rượu trong 15 phút để khử mùi tanh. Bắt chảo nóng cho dầu vào chiên sơ cá. Còn Cà chua Mẹ cắt mỗi trái chừng 4, 5 múi và Thơm cắt lát theo hình tam giác trông thật xinh. Hành tím cắt lát mỏng, còn hành ngò thái nhỏ ..
Làm Bún Cá ngừ mà Mẹ làm cứ như chơi, chắc bởi ỉ y nấu kiểu gì cũng ngon vì cá rất tươi xanh. Mẹ đặt nồi lên bếp, cho dầu vào, chờ nóng, cho hành tím vào phi thơm, bỏ tiếp cà chua và thơm vào xào rồi đổ thêm nước, chờ sôi mới thả những lát cá vào. Nhiều khi nhìn ra sau vườn thấy vài trái dừa lủng lẻng, Mẹ bảo con cái trong nhà trèo lên hái đem vô làm nước nhưng cho có vị ngọt của cây, của cỏ. Khi nước sôi lại, nêm với nước mắm, muối và chút đường cho vừa miệng. Chờ cá chín, nhắc nồi xuống, cho hành lá ( Mẹ cắt chừa cọng, để nguyên củ cho đẹp!) và đã già rồi mà Mẹ cũng không quên cho chút màu hạt điều trông bắt mắt….
Khi ăn, cho bún vào tô, múc lát cá ngừ đặt lên mặt tô và chan nước lên trên. Bày ớt xắt lát lên mặt cá, xếp cọng hành bên cạnh, rắc thêm tiêu. Bún cá ngừ ăn với rau sống và dùng nóng mới ngon. Vắt thêm chanh nếu thích ,sẽ có một tô bún vừa béo béo, vừa chua chua (của thơm, cà chua, chanh), vừa mặn mặn, vừa ngọt ngọt, vừa bùi bùi của Cá ngừ
Vậy món bún cá ngừ là phần cốt cách con người xứ Quảng và tâm hồn Quảng, mang “đầy ắp” giá trị văn hóa, lịch sử ẩm thực của xứ Quảng. Bởi thế dù có đi đâu, sống ở nơi nào người giàu sang cũng như người nghèo khó
khi nhớ đến Quảng Nam điều đầu tiên người ta vẫn nhớ đến món Bún Cá Ngừ như nhớ một…… vùng trời quê ta.
Andi Nguyễn Ánh Nhật